1. Nguồn gốc:
Giống lúa TL 6 là giống lúa thơm chọn tạo từ tổ hợp lai BT7 x KD18, nuôi cấy bao hạt phấn ở F1 tiếp tục chọn lọc đến F6 chọn ra được TL 6. TL 6 được Hội đồng KH Bộ NN&PTNT công nhận tạm thời theo QĐ số 215 /QĐ-TT-CLT ngày 02/10/2008.
2. Đặc điểm chính của giống:
TL6 Là giống lúa chịu thâm canh khá, chống chịu tốt với một số sâu bệnh hại chính như: bệnh Đạo ôn, khô vằn và bạc lá. Phẩm chất gạo ngon, thơm, cơm mềm, nhưng không dính. Gieo cấy được 2 vụ trong năm. - Thời gian sinh trưởng : Vụ xuân 130 - 135 ngày. Vụ mùa 105 - 110 ngày. - Cây cao 95 - 100 cm, đẻ nhánh trung bình đạt 5 - 7 bông hữu hiệu/ khóm. - Tỷ lệ hạt chắc cao trên 90%, gạo trong, cơm dẻo, thơm nhưng không dính. - Khả năng năng suất trên 8 tấn/ ha. Năng suất thực thu trên diện rộng đạt 55 - 65 tạ/ha. Khả năng thích ứng rộng.
3. Kỹ thuật canh tác
-Thời vụ: + Xuân muộn: Gieo mạ sau lập xuân 25/1 - 5/2. Cấy mạ non từ 2,5- 4 lá. + Mùa sớm: Gieo mạ từ 1/6 - 5/6, cấy khi mạ được 15- 18 ngày tuổi. + Mùa trung: Gieo mạ từ 10/6 - 20/6, cấy khi mạ được 15- 18 ngày tuổi. - Mật độ cấy: 45 - 50 khóm/m2, mỗi khóm cấy 2 - 3 dảnh. - Phân bón: cho 1 sào bắc bộ (360m2) Phân chuồng : 300 - 500 kg/ sào Đạm Urê: 7 - 9 kg/sào. Supe lân: 15 - 20 kg/sào. Kalyclorua: 7 - 8 kg/ sào. - Cách bón: + Bón lót : Toàn bộ phân chuồng, phân lân và 40% Đạm. + Bón thúc : 50% Đạm + 40% Kaly, bón khi lúa bén rễ hồi xanh. (Chú ý: vụ xuân khi trời ấm mới bón Đạm). + Bón đón đòng: 10% Đạm + 60% Kaly còn lại khi lúa đứng cái. - Chăm sóc:Chế độ chăm sóc và làm cỏ bình thường như các giống khác. |