Kiểm tra thực tế về vụ lúa xuân bội thu năm nay, đồng chí Nguyễn Xuân Đường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao nỗ lực của người cựu chiến binh Phan Văn Hòa ở xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành. Gắn bó với cây lúa, trải qua những thăng trầm, vất vả, có khi sắp mất cả nhà cửa, nhưng ông đã vươn lên, nhân rộng thành công giống lúa thuần chủng AC5 với thương hiệu “Gạo xứ Nghệ”. Sau đó, ông tự mình nghiên cứu, tạo ra một loại giống lúa tím, được đánh giá là thảo dược trên đồng ruộng.
Ông Phan Văn Hòa (ngoài cùng bên trái) giới thiệu với đồng chí Nguyễn Xuân Đường về giống lúa tím thảo dược tại Vĩnh Thành, Yên Thành.
Đi lên từ ruộng
Năm 1984, ông Phan Văn Hòa được nghỉ theo chế độ bệnh binh. Về quê, ông cùng gia đình tích cực vỡ hoang trồng lúa. Năm 1990, ông được xã Vĩnh Thành cho thầu 5 hécta ở cánh đồng Hói Sác. Năm đầu, ông Hòa khoanh ruộng trũng thả cá. Vụ cá đầu tiên thắng lợi, vụ sau, ông thả gấp đôi số con giống nhưng nước nhiễm mặn, cá chết trắng đồng, gia đình ông gần như trắng tay.
Không nản chí, ông đi vay tiền ngân hàng, thuê người đắp bờ ngăn mặn, trồng lúa. Thuê thợ cày, thợ cấy nhưng những năm đó, ông Hòa vẫn không làm kịp đất để gieo cấy mùa vụ. Được một cán bộ Viện Cơ giới nông nghiệp giới thiệu, ông bán hết những gì có thể, mua một máy cày mini. Tiếng máy cày rền vang trên cánh đồng Hói Sác lúc ấy làm mọi người nể phục và nó đã đem về cho ông vụ mùa bội thu. Thế nhưng, càng ngày, giống lúa lai năng suất cao song giá trị kinh tế thấp, ông Hòa nghĩ đến việc phải trồng loại lúa chất lượng cao mới đem lại hiệu quả kinh tế trên đồng ruộng. Để thuận lợi cho phát triển sản xuất, năm 2001, ông thành lập Công ty TNHH Vĩnh Hòa chuyên kinh doanh lĩnh vực giống, phân bón, cây trồng…
Những năm 2004, ông Hòa khăn gói ra Hà Nội để tìm giống lúa mới. May mắn khi ông gặp được GS, Viện sỹ Vũ Tuyên Hoàng - Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam. Từ 5 lượng lúa giống AC5, ông Hòa hăm hở về quê trồng khảo nghiệm. Vụ đông xuân 2004, giống lúa AC5 được ông trồng trên nửa cánh đồng với năng suất đạt hơn 3,2 tạ/sào. Đến năm 2005, nông dân trên địa bàn huyện Yên Thành háo hức với giống, diện tích được nâng lên hàng chục hécta. Gạo AC5 tung ra thị trường được người tiêu dùng đón nhận với hạt mẩy, nấu lên cơm dẻo, thơm. Từ đó, ông Hòa mạnh dạn phối hợp với các xã trên địa bàn huyện nhân rộng diện tích. Ông còn trực tiếp đến các huyện Đô Lương, Diễn Châu, Quỳnh Lưu giới thiệu, cung cấp giống, mở rộng diện tích lên trên 8.000 hécta.
Đến nay, gạo AC5 trở thành thương hiệu nổi bật của xứ Nghệ, được thị trường trong Nam, ngoài Bắc ưa chuộng. Cùng đó, một số doanh nghiệp của Trung Quốc đã đặt hàng nhập sản phẩm gạo AC5. Để đảm bảo sản xuất lâu dài, từ năm 2008, ông Phan Văn Hòa - Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hòa đã trực tiếp ký hợp đồng mua bản quyền giống lúa AC5 với Viện Cây lương thực và đặt tên thương hiệu là “Lúa gạo xứ Nghệ”. Trị giá bản quyền lúc đó trên 1 tỷ đồng, nhưng ông là người đầu tiên mua nên được giảm còn 500 triệu đồng. Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Lập - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT: “Cái giá trị lớn hơn của bản quyền chính là ông Hòa là người nông dân đầu tiên trên địa bàn tỉnh dám mua, dám làm. Sau gần 10 năm, giờ đây, giống lúa gạo AC5 của ông được cả nước đón nhận và xuất khẩu. Điều đó càng có giá trị thực tiễn, chứng minh hiệu quả của giống lúa thuần Việt trước luồng gió lúa lai Trung Quốc…”.
Vươn ra từ lúa
Đưa đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Nguyễn Xuân Đường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dẫn đầu đi thăm những diện tích đang đến kỳ thu hoạch, ông Hòa phấn khởi cho biết: “Sau khi giống lúa thuần chủng AC5 được bà con trong tỉnh Nghệ An và một số tỉnh lân cận phát triển, tôi lại nghĩ tới một giống lúa đặc biệt hơn. Từ năm 2005, một mình tôi âm thầm thử nghiệm trên đồng ruộng, tiến hành lai tạo các giống với nhau. Qua 2 - 3 năm, cuối cùng có hai bông lúa màu tím ra đời. Lúc đó mừng như muốn hét lên nhưng chưa dám nói với ai. Từ hai bông lúa, tôi gieo được chừng 2m2 mạ để cấy nhân rộng giống…”. Theo ông Hòa, giống lúa này chuyển màu theo từng giai đoạn phát triển. Gieo mạ thì có màu tím biếc, khi lúa phát triển chuyển sang màu xanh đậm, khi trổ bông lại đổi màu tím.
Để khẳng định chất lượng của cây giống ấp ủ lâu nay, ông Hòa trực tiếp mang sản phẩm đi kiểm nghiệm tại Hà Nội. Tổng cục Đo lường chất lượng chứng nhận các chỉ số gồm: hàm lượng canxi (đơn vị mg/100g): 16,6, hàm lượng sắt: 1,1; hàm lượng vitamin A: 57,0; hàm lượng Omega 9: 1.290,0; hàm lượng Omega 6: 6,5. Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, đây là loại gạo thảo dược, bởi những nông sản màu tím nói chung thường có rất nhiều chất bổ, nhất là nhóm Omega, có khả năng kháng bệnh tim mạch và ung thư cao. Điều đó tiếp thêm sinh khí cho công ty của ông Hòa tiếp tục khảo nghiệm giống lúa này.
Vụ mùa năm 2008, lúa thảo dược được bà con thu hoạch với năng suất 3,8 tạ/sào. Ông Hòa mua với giá gấp đôi lúa thường nên ai cũng phấn khởi. Đâu đâu người ta cũng bàn về giống lúa thảo dược. Cũng từ năm này, ông lấy tên Vĩnh Hòa 1, tên công ty, đặt cho giống lúa mới. Chưa dừng lại, các bộ giống lúa thảo dược mới lần lượt ra đời: Vĩnh Hòa 2, Vĩnh Hòa 3, Vĩnh Hòa 4. Tất cả đều đã được bảo hộ bởi Văn phòng Bảo hộ giống cây trồng mới Bộ NN&PTNT. Đến nay, loại lúa tím này được Công ty TNHH Vĩnh Hòa phối hợp khảo nghiệm đầu bờ ở các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh và cả ở nước Lào để đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận một loại giống thuần Việt, hướng tới xuất khẩu sang các nước. Khi biết tin về giống lúa tím của ông Hòa, nhiều doanh nghiệp, tổ chức ở các nước: Nhật, Thái Lan, Lào, Singapore… đã tìm đến đặt vấn đề hỗ trợ sản xuất và nhân rộng thành hàng hóa xuất khẩu.
Ông Hòa cũng đưa ra ý kiến đánh giá của PGS.TS Nguyễn Văn Tuất - Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam khi kiểm định giống lúa này, rằng: “Giống lúa tím Vĩnh Hòa 1 rất phù hợp với vùng có khí hậu khắc nghiệt như ở Nghệ An, lúa có khả năng kháng sâu bệnh cao. Chúng tôi gọi giống này là gạo thảo dược. Gạo này có các thành phần vi lượng như Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 1 và Viện Dinh dưỡng đã có kết quả kiểm định. Gạo vừa bổ dưỡng vừa có khả năng kháng bệnh cho con người. Tôi nghĩ nên bổ sung giống lúa thảo dược vào bộ giống lúa chất lượng của Việt Nam. Nó vừa có chất lượng, năng suất cao, giá bán gấp đôi lúa thường, chúng ta chủ động được giống, không tốn tiền, tốn công như gieo trồng các giống lúa lai”…
Nâng tầm lúa gạo Việt
Để theo đuổi giống lúa thảo dược màu tím Vĩnh Hoà 1, nhiều năm qua, ông Hòa trồng trên ruộng của gia đình, sau đó thuyết phục các gia đình cựu chiến binh cũng như nhân dân nhiều địa phương trồng. Từ chỗ chỉ hai bông lúa, đến nay, diện tích trên địa bàn tỉnh có hơn 100 hécta, còn hơn 400 hécta khác công ty của ông hợp đồng với các tỉnh khác để trồng khảo nghiệm, đánh giá đúng năng suất, chất lượng. Phản hồi từ các địa phương rất tích cực, những năm qua, mặc dù chưa chính thức được công nhận là một giống mới nhưng trên diện tích gần 500 hécta trồng thử nghiệm, sản phẩm gạo tím của ông Hòa đã có mặt trên thị trường và được người tiêu dùng đánh giá cao.
Để đảm bảo đầu ra, Công ty TNHH Vĩnh Hòa phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp tăng cường giới thiệu sản phẩm đến tất cả các vùng miền. Đặc biệt tại thị trường TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, Nghệ An, sản phẩm gạo tím được giao tận nhà. Chia sẻ với chúng tôi, ông Hòa cho biết: Giống lúa này, theo một số nhà khoa học, thân cây cũng toàn màu tím và còn chứa hàm lượng Omega lớn hơn cả hạt gạo. Chúng tôi đang đưa đi kiểm định và nếu có điều kiện sẽ chế biến một loại trà uống Omega từ rơm. Được như thế thì cây lúa người dân trồng sẽ có giá trị từ gốc tới ngọn…”.
Sau khi kiểm tra thực tế tại các trà lúa và sản phẩm gạo của Công ty TNHH Vĩnh Hòa, làm việc với lãnh đạo Sở NN&PTNT và Sở KHCN, đồng chí Nguyễn Xuân Đường giao trách nhiệm cho hai đơn vị tiếp tục phối hợp với các bộ ngành TƯ hỗ trợ công ty xây dựng thành công sản phẩm giống lúa tím. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: “Sản phẩm này được cá nhân ông Hòa và Công ty TNHH Vĩnh Hòa tiến hành khảo nghiệm trong hơn 5 năm qua. Những ưu điểm về thích nghi khí hậu, năng suất, chất lượng, hàm lượng các chất của loại gạo này cũng được các cơ quan chức năng kiểm nghiệm. Vậy, vấn đề còn lại là thủ tục. Nếu thành công với loại giống mới này và tổ chức sản xuất thành lượng hàng hóa có thể xuất khẩu thì chúng ta có thể góp phần nâng tầm giá trị lúa gạo Việt Nam…”.